Trước hàng thủ được tổ chức tốt của Jordan, Công Phượng hầu như mất hút. Đây là điều không mới khi ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam đối đầu với các hàng thủ có chiều sâu, chơi bọc lót tốt.
Một chi tiết dễ thấy khác nằm ở chỗ các pha triển khai tấn công, đưa bóng lên phía trước của đội tuyển Việt Nam thường đến chân Công Phượng là mất bóng. Cầu thủ của HA Gia Lai cố gắng đi bóng qua người hậu vệ đối phương, nhưng kết quả của các pha đi bóng này thường chỉ có một: Đó là Công Phượng bị hậu vệ đối thủ giành lấy bóng khi đang cố gắng đột phá.
Công Phượng thời bước lên các sân chơi đỉnh cao khác xa so với Công Phượng hồi còn đá các giải trẻ. Hồi thi đấu ở các giải trẻ, Công Phượng thường xuyên có các pha đi bóng qua người rồi dứt điểm thành bàn. Tuy nhiên, bóng đá đỉnh cao khác với các sân chơi trẻ ở chỗ các hàng thủ đá khôn ngoan hơn, chơi theo khu vực tốt hơn, thậm chí đá rắn hơn, nên Công Phượng không còn dễ thực hiện các pha đột phá.
Công Phượng thường xuyên đi bóng nhưng cũng thường xuyên làm lỗi nhịp tấn công của đội tuyển Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)
Vấn đề còn nằm ở chỗ Công Phượng vẫn chưa từ bỏ được thói quen ham rê dắt. Trong khi các đồng đội như Tuấn Anh, Xuân Trường cố gắng đá nhanh, ít chạm để tìm khoảng trống trước hàng thủ của Jordan, thì Công Phượng lại chơi hơi cá nhân, lại cố gắng giữ bóng lâu hơn mức cần thiết.
Việc HLV Nguyễn Hữu Thắng đến tận phút 85 mới thay Công Phượng ra ngoài (người thế chỗ là Quang Hải) thậm chí còn bị đánh giá là quá trễ.
Vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia có lẽ vẫn mong được nhìn thấy các pha toả sáng của Công Phượng, nhưng thực tế trên sân cho thấy Công Phượng chưa phù hợp khi đối đầu với các đội bóng phòng ngự có chiều sâu, chưa phù hợp với lối chơi chung của đội tuyển Việt Nam, lúc chúng ta bắt buộc phải đá nhanh, đá phản công.
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng Công Phượng chỉ thích hợp khi đá trước các hàng thủ ít người, khi có nhiều khoảng trống trước mặt, bởi thói quen của cầu thủ này là hay rê dắt, nên nếu đối phương có đông người bên phần sân nhà, cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam gần như… vô hại.
Mấu chốt của vấn đề có thể nằm ở chỗ Công Phượng không ý thức được rằng khi nào thì anh nên đi bóng đột phá, và khi nào thì anh cần đá cực kỳ đơn giản, đơn giản nhất có thể.
Cũng có thể Công Phượng chưa ý thức được yêu cầu chung và lối chơi chung của đội tuyển Việt Nam trước từng đối thủ khác nhau, trong những thời điểm khác nhau cũng chẳng giống nhau, nên Công Phượng càng không thể giữ mãi một cách đá duy nhất để rồi trở nên lạc nhịp.
Đây là vấn đề thuộc về tư duy chơi bóng chứ không phải thuộc kỹ năng. Chẳng ai dám chê kỹ năng và kỹ thuật của Công Phượng, nhưng để toả sáng trong môi trường bóng đá đỉnh cao, kỹ năng thôi là chưa đủ!
Trọng Vũ
Post a Comment